Lịch sử hình thành và phát triển: 

Tiền thân Viện Kinh tế Bưu điện ngày nay là Viện Kinh tế và Quy hoạch Bưu điện, được thành lập theo Quyết định số 812/QĐ ngày 28/5/1975 của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện. Viện Kinh tế và Quy hoạch Bưu điện được đổi tên thành Viện Kinh tế Bưu điện ngày 01/01/1980 theo quyết định số 2308/QĐ ngày 20/12/1979 của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện. 

Thực hiện quyết định số 516/TTg ngày 11/7/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Viện Kinh tế Bưu điện được tổ chức lại thành Viện Kinh tế Bưu điện, trực thuộc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông theo quyết định số 229/QĐ-TCCB/HĐQT ngày 9/9/1997 của Hội đồng quản trị Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam và quyết định số 635/QĐ-TCCB-LĐ ngày 22/3/1999 của Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam. 

Viện Kinh tế Bưu điện trải qua 45 năm xây dựng và trưởng thành, Viện Kinh tế Bưu điện tự hào đã có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển của ngành Bưu điện trở thành đơn vị nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế Bưu chính Viễn thông, nay là ngành Thông tin và Truyền thông  và đang từng bước khẳng định vị trí của mình trong hoạt động đào tạo của Học viện. 

Sự xuất hiện các công nghệ mới đã làm thay đổi nền tảng sản xuất, dịch vụ đặt ra những yêu cẩu mới về năng lực nhân sự, theo đó các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học từ các trường đại học sẽ đối mặt với các yêu cầu cải cách và cạnh tranh mới. Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ chính trị về đổi mới chủ trương, chính sách chủ động tham gia công cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã khẳng định việc chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là yêu cầu tất yếu và khách quan.

Trong bối cảnh mới, giáo dục cũng phải đem đến cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản lẫn tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu của công việc luôn thay đổi nhằm tránh nguy cơ bị đào thải, từ đó đòi hỏi các trường đại học phải đổi mới cho phù hơp. Giáo dục 4.0 đang được xem là mô hình tất yếu của nền giáo dục trong tương lai để đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Trong nền giáo dục 4.0, trường đại học không chỉ là nơi đào tạo, nghiên cứu mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo, giải quyết các vấn đề thực tiễn, mang giá trị cho xã hội. Để đáp ứng được những thay đổi đó, các trường đại học cần đổi mới mô hình giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu; phương pháp giảng dạy, thay đổi chương trình đào tạo, ứng dụng các tiến bộ công nghệ thông tin, đồng thời cần áp dụng mô hình giáo dục 4.0 để phát triển trong tình hình mới thời kỳ chuyển đổi số.