Thỏa thuận hợp tác và liên kết đào tạo quốc tế giữa Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Đại học Bách khoa Quế Lâm (Trung Quốc)

Chiều chủ nhật ngày 17 tháng 3 năm 2024, tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, đại diện hai trường đại học kỹ thuật danh tiếng của Việt Nam và Trung Quốc đã có buổi gặp mặt trao đổi và thỏa thuận một số nội dung hợp tác đào tạo. Tiến sĩ Trần Đình Nam, Phó viện trưởng – phụ trách viện Kinh tế Bưu điện – Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông thay mặt cho lãnh đạo Học viện đón tiếp đại diện của Đại học Bách Khoa Quế Lâm – Bà Cao Lan Anh, Trưởng phòng hợp tác quốc tế. Ngoài ra còn có các cán bộ của hai trường đại học cùng tham dự cuộc trao đổi.

Trong suốt bốn thập niên trở lại đây, Trung Quốc đã vươn lên từ một nền công nghệ lạc hậu trở thành công xưởng của thế giới. Trong rất nhiều lĩnh vực công nghệ cao, Trung Quốc đã bắt kịp thậm chí còn có thể đi trước các nước phát triển phương Tây. Đứng sau những thành tựu đó, không thể không nhắc đến sự phát triển vượt bậc về các viện nghiên cứu và các trường đại học công nghệ. Một Trung Quốc rộng lớn, không thiếu những tên tuối danh tiếng như: Đại học Bắc Kinh, Đại học Thiên Tân, Đại học Thanh Hoa, đó đều là những Đại học danh tiếng ở phía Bắc Trung Quốc. Phía nam Trung Quốc, Đại học Hoa Nam, Đại học Vân Nam và Đại học Bách Khoa Quế Lâm là những đại diện tiêu biểu nhất.

Đại học Bách Khoa Quế Lâm được xây dựng năm 1956 thuộc khu tự trị tỉnh Quảng Tây, và là tỉnh giáp biên giới với Việt Nam. Đại học Quế Lâm hiện nay bao gồm 4 phân viện, 6 học viện, 8 khoa với 49 chuyên ngành đào tạo, và có khoảng 25.000 sinh viên theo học.

Theo như giới thiệu của bà Cao Lan Anh, Đại học Quế Lâm không chỉ nổi tiếng trong các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao như: Thương mại điện tử, thương mại quốc tế, kế toán, Marketing … Đại học Quế Lâm còn được bình chọn là điểm đến hàng đầu cho sinh viên muốn theo học ngôn ngữ. Đi theo xu hướng chung hội nhập – toàn cầu hóa, Đại học Quế Lâm luôn mong muốn hợp tác với các trường đại học trên toàn thế giới. Trong chuyến công tác lần này, Đại học Quế Lâm rất vinh dự được trao đổi và đặt nền móng hợp tác lâu dài với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cũng là một trong những trường đại học công nghệ hàng đầu của Việt Nam.

Tiến sĩ Trần Đình Nam Phó viện trưởng Phụ trách Viện Kinh tế Bưu điện, đảm nhiệm các chương trình đào tạo hình thức Vừa làm vừa học của Học viện. Theo lời TS. Nam, hình thức Vừa làm vừa học có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp từ Trung Quốc, Hàn Quốc đầu tư xây dựng nhà máy công nghệ cao ở Việt Nam. Khác với đào tạo truyền thống chỉ tập trung vào lý thuyết, chương trình Vừa làm vừa học dành nhiều thời lượng cho sinh viên được trải nghiệm với môi trường công nghệ thực tế tại các nhà máy. Cũng theo chia sẻ của TS. Nam, nhiều đối tác nước ngoài của ông cũng rất quan tâm đến hình thức này, ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc học tập kết hợp với thực hành mang lại nhiều lợi thế cho sinh viên. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phần nào tự chủ động đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với tiêu chí riêng của doanh nghiệp. Từ thực tế đó, TS. Trần Đình Nam mong muốn có những chương trình liên kết, trao đổi sinh viên với Đại học Quế Lâm.

Sau những trao đổi, thảo luận từ cả hai phía. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Đại học Bách khoa Quế Lâm thống nhất những chương trình hợp tác ban đầu như sau. Triển khai được sớm nhất, Đại học Bách khoa Quế Lâm cử giảng viên dạy miễn phí tiếng Trung cho các sinh viên của Học viện có nhu cầu. Dự kiến trong năm tới, hai trường sẽ bắt đầu triển khai trao đổi sinh viên thường niên. Cụ thể thể là mỗi bên sẽ cử 3-5 sinh viên sang học tập, trải nghiệm chương trình của nhau mỗi một hoặc 2 học kỳ. Đây sẽ là thí điểm cho kế hoạch lớn hơn, đó là triển khai mô hình liên kết đào tạo ba bên. Hai trường đại học sẽ liên kết với các doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động ở Việt Nam, lựa chọn lao động của công ty có nhu cầu học tập nâng cao trình độ. Các lao động này được đào tạo 2 năm ở Học viện, rồi sẽ được chuyển tiếp sang Đại học Quế Lâm học tiếp 2 năm, được nhận bằng tốt nghiệp và quay trở lại doanh nghiệp với trình độ và bằng cấp được công nhận từ cả hai phía.

 

Kết thúc buổi làm việc, TS. Trần Đình Nam và bà Cao Lan Anh chụp ảnh kỷ niệm và trao tặng các món quà lưu niệm. Đây là cột mốc đánh dấu cho sự khởi đầu của quan hệ hợp tác lâu bền giữa hai trường. Trong tương lai không xa, sẽ có thêm nhiều điểm sáng hơn nữa, không chỉ dừng lại ở phạm vi hai trường đại học.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *