Chiều 27/5, Viện Kinh tế Bưu điện (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) tổ chức Tọa đàm cơ hội du học và định hướng nghề nghiệp quốc tế cho sinh viên đại học hình thức vừa làm, vừa học. Đây là diễn đàn dành cho sinh viên nhằm trao cơ hội du học quốc tế, việc làm quốc tế cho các em. Sự kiện cũng là một trong những hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập Viện Kinh tế Bưu điện.
Với sinh viên vừa làm, vừa học, điều kiện tiên quyết để có thể đi du học là năng lực ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và sự hiểu biết về văn hóa bản địa.
Theo TS Trần Đình Nam – Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Kinh tế Bưu điện (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông), hiện giáo dục đại học khác xa so với những năm 2000.
10 năm trở lại đây, các trường đại học mở ra nhiều cơ hội học tập cho sinh viên ở tất cả các hệ đào tạo; trong đó có cơ hội du học. Ngày nay, cánh cửa du học rộng mở hơn, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa, các nước phát triển đang cần đến nguồn lao động bổ sung từ các nước đang phát triển.
“Vì vậy, nếu đi đúng hướng, phù hợp với khả năng của bản thân, cánh cửa du học của sinh viên vừa làm, vừa học không thua kém hơn so với sinh viên chính quy”- TS Trần Đình Nam khẳng định.
Để có thể đi du học, TS Trần Đình Nam chia sẻ, với sinh viên vừa làm, vừa học cần trang bị năng lực ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và sự hiểu biết về văn hóa bản địa. Đây là những yếu tố tiên quyết giúp sinh viên có thể thích nghi, học tập và tìm kiếm cơ hội việc làm khi xuất ngoại.
“Thực tế cho thấy, không sinh viên nào có thể thích nghi, phát triển nơi đất khách mà không có ngoại ngữ, khả năng giao tiếp và kiến thức văn hóa bản địa” – TS Trần Đình Nam nhấn mạnh, đồng thời nhìn nhận, tương lai của sinh viên chính là hình ảnh phản chiếu cho thành công của Viện Kinh tế Bưu điện.
Với xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là sự dịch chuyển giá trị chuỗi cung ứng như các năm gần đây, TS Trần Đình Nam TS Trần Đình Nam cho hay, Viện Kinh tế Bưu điện (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) đã ký kết chương trình hợp tác với nhiều trường đại học trên thế giới và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Theo đó, sinh viên của Viện được tạo điều kiện đi thực tập tại doanh nghiệp để có kinh nghiệm thực tiễn. Với những sinh viên muốn du học, Viện luôn tìm các nguồn tài trợ trong và ngoài nước như: các gói hỗ trợ về ngôn ngữ, điều kiện học tập và hợp tác đào tạo tay nghề cho doanh nghiệp.
TS Trần Đình Nam tư vấn, sinh viên có thể du học theo chương trình 2 + 2 hoặc 1 +4. Tức là đào tạo cơ bản ở Việt Nam trong một vài năm đầu, sau đó được chuyển tiếp học ở trường đối tác quốc tế.
Học xong sẽ làm việc cho công ty đã hợp tác với cả hai trường đại học. “Đó là hình thức liên kết đào tạo 3 bên, hình thức này đang phát huy hiệu quả” – TS Trần Đình Nam cho hay.
Ngoài ra, Viện cũng đang nỗ lực mở rộng mạng lưới hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tìm kiếm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.