Tên chương trình (tiếng Việt): Quan hệ công chúng
Tên chương trình (tiếng Anh): Public Relations
Ngành đào tạo: Marketing
Trình độ đào tạo: Đại học
Mã số: 7340115
Hình thức đào tạo: Chính quy
Mục tiêu chung (Goals)
Chương trình đào tạo Quan hệ công chúng (ngành Marketing) của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông hướng tới cung cấp lao động chuyên nghiệp trong lĩnh vực quan hệ công chúng có khả năng làm việc trong môi trường kinh doanh năng động, hội nhập và số hóa mạnh mẽ. Mục tiêu chung của chương trình là đạo tạo cử nhân có phẩm chất chính trị vững vàng, có đạo đức, ý thức, có trách nhiệm xã hội; có kiến thức cơ bản và cập nhật về kinh tế, xã hội – nhân văn, quản trị, marketing và truyền thông trong tổ chức/doanh nghiệp; có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu, hiện đại về quan hệ công chúng, đặc biệt là hoạt động quan hệ công chúng trong môi trường số, trên các nền tảng và phương tiện truyền thông số; có khả năng làm việc độc lập, thích ứng nhanh với các nhiệm vụ cụ thể liên quan đến truyền thông và quan hệ công chúng của tổ chức, doanh nghiệp trong bối cảnh phát triển của công nghệ số; có năng lực tự học tập, nghiên cứu bồi dưỡng để nâng cao trình độ. Chương trình đào tạo Quan hệ công chúng đảm bảo triết lý giáo dục của Học viện đó là “Trí thức – Sáng tạo – Đạo đức – Trách nhiệm” hướng tới mục tiêu đào tạo ra những con người “vừa có tài vừa có đức” để đóng góp cho sự phát triển chung của ngành, của đất nước và của nhân loại.
Mục tiêu cụ thể (Program Objective – POs)
Kiến thức
[PO1] Kiến thức cơ bản về lý luận chính trị, pháp luật Việt Nam, an ninh quốc phòng;
[PO2] Kiến thức cơ bản về các nguyên lý, quy luật và thực tiễn về kinh tế thị trường, môi trường kinh doanh để tìm hiểu các hoạt động kinh doanh, marketing, truyền thông và quan hệ công chúng của các tổ chức, doanh nghiệp;
[PO3] Kiến thức cơ bản về các nguyên lý và thực tiễn marketing và truyền thông để tìm hiểu lý thuyết và thực tiễn quản trị hoạt động quan hệ công chúng của các tổ chức, doanh nghiệp trên đa nền tảng và phương tiện truyền thông, đặc biệt trên nền tảng và phương tiện truyền thông số, của các tổ chức, doanh nghiệp;
[PO4] Kiến thức toàn diện về lý thuyết và thực tiễn liên quan đến quan hệ công chúng và quản trị hoạt động quan hệ công chúng trong bối cảnh phát triển công nghệ số: từ phân tích, lập kế hoạch đến tổ chức, triển khai, đánh giá và đưa ra các giải pháp cải thiện.
Kỹ năng
[PO5] Các kỹ năng chuyên môn cơ bản để có thể triển khai thực hiện hoạt động quan hệ công chúng trên đa nền tảng, đặc biệt là nền tảng số và quản trị hoạt động này trong thực tiễn các doanh nghiệp, tổ chức;
[PO6] Các kỹ năng bổ trợ và kỹ năng mềm để có thể làm việc hiệu quả trong môi trường năng động, số hóa và chuyên nghiệp.
Thái độ
[PO7] Phẩm chất đạo đức, ý thức nghề nghiệp, trách nhiệm công dân, chủ động sáng tạo, có ý thức phối hợp, hợp tác trong công việc.
Trình độ ngoại ngữ và tin học
[PO8] Khả năng sử dụng tiếng Anh trong các hoạt động liên quan đến nghề nghiệp được đào tạo;
[PO9] Khả năng sử dụng tốt các công cụ tin học và phần mềm cơ bản và chuyên môn phục vụ cho công việc, học tập và nghiên cứu.
Vị trí việc làm sau tốt nghiệp
Sau khi tốt nghiệp ngành Quan hệ công chúng, người học có đủ năng lực để đảm nhận các vị trí công việc ở các nhóm sau:
Nhóm 1 – Nhân viên, chuyên viên truyền thông, quan hệ công chúng trong các doanh nghiệp (nhà nước và tư nhân); các cơ quan, tổ chức trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội; các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế…
- Chuyên viên quan hệ công chúng;
- Chuyên viên marketing và quan hệ công chúng;
- Chuyên viên phát triển thương hiệu;
- Chuyên viên quan hệ báo chí;
- Chuyên viên quan hệ cộng đồng;
- Chuyên viên tổ chức sự kiện;
- Chuyên viên truyền thông nội bộ;
- Chuyên viên xử lý khủng hoảng;
- Chuyên viên gây quỹ và tài trợ;
- Chuyên viên quan hệ đối ngoại…
Các vị trí công việc thuộc nhóm này có triển vọng phát triển trong tương lai có thể trở thành trưởng phòng cũng như các vị trí quản lý trong lĩnh vực truyền thông, thương hiệu của tổ chức, doanh nghiệp.
Nhóm 2 – Chuyên viên phân tích và tư vấn quan hệ công chúng làm việc tại các công ty tư vấn và/hoặc các công ty cung cấp dịch vụ truyền thông và marketing (agency).
- Phân tích và lập báo cáo về môi trường truyền thông;
- Xây dựng kế hoạch truyền thông và quan hệ công chúng nhằm phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp, tổ chức;
- Triển khai thực hiện kế hoạch truyền thông và quan hệ công chúng nhằm phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp, tổ chức;
- Đánh giá, giám sát kế hoạch truyền thông và quan hệ công chúng nhằm phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp, tổ chức;…
Các vị trí công việc thuộc nhóm này có triển vọng trong tương lai có thể trở thành các chuyên gia phân tích, tư vấn trong lĩnh vực truyền thông và quan hệ công chúng, phát triển thương hiệu.
Nhóm 3 – Nghiên cứu viên và giảng viên trong lĩnh vực truyền thông và quan hệ công chúng làm việc trong các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở nghiên cứu.
- Tham gia nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến truyền thông, quan hệ công chúng;
- Tham gia giảng dạy các môn học liên quan đến lĩnh vực truyền thông, quan hệ công chúng và thương hiệu;…
Nhóm 4 – Các công việc khác mà người học sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo quan hệ công chúng của Học viện có thể đảm nhiệm gồm:
- Tự mở doanh nghiệp riêng hoặc tạo lập hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực truyền thông và quan hệ công chúng
- Tham gia các chương trình đào tạo chuyển đổi, bổ sung những kiến thức chuyên ngành gần khác để theo học các chương trình đào tạo văn bằng kép hoặc học tiếp ở các bậc cao hơn; tạo lập doanh nghiệp trong lĩnh vực truyền thông và quan hệ công chúng.